Cá tra vào Mỹ áp thuế cao: Nông dân và doanh nghiệp đều sốc

Cập nhật 29/12/2014 | Lúc 4:26:47

Vụ việc Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá(CBPG) sản phẩm cá tra phi lê của Việt Nam vào thị trường Mỹ khiến cho người nuôi và doanh nghiệp(DN) chế biến cá tra xuất khẩu đối mặt với khó khăn mới.

Người nuôi hoang mang

Mấy ngày nay, thông tin cá tra Việt Nam lại bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ làm người nuôi cá tra ở ĐBSCL như “ngồi trên đống lửa”. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang trước đây nuôi 10 ha giờ co cụm lại chỉ còn hơn 1ha. Ông Nguyên cho biết: “Mỗi vụ tôi xuất bán khoảng 250- 300 tấn theo kiểu cầm chừng trong khi trước đây xuất bán khoảng 5.000- 6.000 tấn. Hầu hết người nuôi cá tra đã “chết”, bây giờ cá tra vào Mỹ khó như vậy nữa thì khó ai sống nổi”!

Tại xã Khánh Hòa từng là “vương quốc” nuôi cá tra nay chỉ còn 2 hộ nuôi, trong đó có gia đình ông Nguyên. Ông Nguyên vừa bán 3 ha ao nuôi cá tra cho doanh nghiệp với giá 2,5 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa so với vốn đầu tư. Nhiều hộ nuôi cá trong khu vực cũng bắt buộc phải bán ao với giá rẻ vì thua lỗ kéo dài. Toàn huyện Châu Phú bây giờ chỉ còn khoảng 5 xã nuôi nhưng số hộ còn đeo bám con cá tra rất ít, đa phần đã và đang phá sản.

Tuy nhiên, những người nuôi cá tra lâu năm như ông Nguyên càng buồn hơn khi nghe thông tin sán phẩm cá tra phi lê lại bị áp thuế CBPG khi vào thị trường Mỹ với mức cao và phi lý. Theo những người nuôi cá tra tại An Giang, hiện nay giá cá tra chỉ 21.000- 22.000 đồng/kg, người nuôi đã lỗ từ 2.000- 3.000 đồng/kg. Sắp tới giá cá có thể sẽ tiếp tục giảm, người nuôi sẽ không còn cầm cự được nữa.

Ông Nguyễn Ngọc Hải-Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra Thới An-quận Ô Môn, TP. Cần Thơ- nhận định: Theo kinh nghiệm nhiều năm khi con cá tra có nhiều biến động như bị đưa vào danh sách đỏ, áp thuế CBPG… thì người nuôi sẽ hoang mang bán đổ bán tháo dẫn đến cá sẽ sụt giảm nghiêm trọng, người nuôi sẽ lỗ nặng hơn. “ Vấn đề hiện nay là nhà nước phải làm sao cho người nuôi ổn định tâm lý. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để cứu người nuôi như cho vay vốn ưu đãi, tìm thị trường tiêu thụ mới…” – ông Hải đề xuất.

catraxk

Doanh nghiệp lo lắng

Trong tổng số 17 DN thủy sản của nước ta đều chịu thuế suất CBPG rất cao từ 0,19- 3,87 USD/kg hầu hết đều đứng ngồi không yên khi thuế cá tra vào Mỹ cao ngất. Vĩnh Hoàn là DN chịu thuế thấp nhất với mức 0,19 USD/kg; còn Công ty Docifish chịu thuế cao nhất 3,87 USD/kg; các DN còn lại chịu thuế dao động từ 0,77- 1,81 USD/kg.

Nhiều DN cho rằng, Bộ Thương mại Mỹ thay đổi việc chọn nước thứ ba là Indonesia (thay vì Bangladesh) làm cơ sở để tính thuế CBPG đối với cá tra Việt Nam đã khiến mọi việc đảo lộn. Bởi vì sản lượng nuôi cá tra ở Indonesia không bao nhiêu, chế biến và xuất khẩu mặt hàng cá tra cũng không nhiều; vì vậy chi phí giá thành của Indonesia khá cao. Trong khi nghề nuôi cá tra ở Việt Nam phát triển rất mạnh trên nhiều mặt, người nuôi có tay nghề cao, nhà máy chế biến được đầu tư công nghệ hiện đại…

Ông Nguyễn Văn Phấn, TGĐ Công ty CP Chế biến Thủy hải sản Hiệp Thanh (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) – cho rằng: Đây là phán quyết vô cùng bất lợi cho DN thủy sản nói riêng và ngành cá tra nước ta nói chung. Bởi mức thuế CBPG được áp cao thì DN không có lời và có thể bỏ thị trường này.

Ông Nguyễn Văn Đạo -TGĐ Công ty CP Gò Đàng cũng phân tích: mức thuế mà Bộ Thương mại Mỹ áp cho Gò Đàng 1,81 USD/kg là quá cao không thể nào chịu được. Nếu việc đấu tranh không thành công và mức thuế không thay đổi thì Gò Đàng chính thức rút lui khỏi thị trường Mỹ để chuyển sang thị trường truyền thống EU.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) bất bình trước việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đột ngột thay đổi quốc gia thay thế làm cơ sở tính thuế CBPG đối với Việt Nam, đồng thời phản đối mức thuế trong quyết định này. Đại diện VASEP cho biết. VASEP sẽ cùng với các DN cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ ngành cá tra thông qua các hoạt động pháp lý cần thiết để yêu cầu DOC sửa đúng lại quyết định này theo luật pháp Mỹ cũng như các thỏa thuận của WTO. VASEP yêu cầu DOC xem xét lại quyết định cuối cùng này sao cho đúng và hợp lý như tại quyết định sơ bộ xem xét hành chính đã thông báo ngày 12/9/2012. Cụ thể, DOC phải thực hiện nhất quán trong việc sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam như trước đây.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn